Như là một sự hữu duyên, nhờ sự giới thiệu của sơ Thúy, từ bệnh viện Nhân ái Ngày Nước Tái Sinh lại tiếp tục hành trình đến với cụm trường tiểu học ở địa bàn huyện Bù Gia Mập: trường Nguyễn Huệ, Bù Kroi và Trung Sơn.
Học sinh “Việt Kiều”
Có một điều thú vị chúng tôi muốn chia sẻ, là khi cô Phương, người gắn bó với trường đã 26 năm giới thiệu sơ qua rằng ở đây có các em học sinh Việt Kiều. Những người trong đội ngũ đưa mắt nhìn nhau ngơ ngác “Ủa có học sinh Việt Kiều luôn hả cô?”. Và câu trả lời của cô làm cả đoàn được phen bất ngờ và bàng hoàng “Là các em có bố, mẹ là người Campuchia”. Bên cạnh các em học sinh “Việt Kiều”, trường tiểu học Trung Sơn và Bù Kroi còn là nơi học tập của các em người dân tộc S’tiêng và có hoàn cảnh khó khăn. Sự học của các em cũng lắm nỗi lênh đênh khi phụ thuộc vào kế sinh nhai của ba mẹ. Nhờ công tác động viên của chính quyền địa phương và các thầy cô mà sự nghiệp đi tìm con chữ của các em cũng được cải thiện phần nào. “Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để các em được đến trường, để biết mặt chữ, biết đọc, biết viết và hơn hết là biết cách làm người.” Cô Phương chia sẻ.
Lớp học tại trường Bù Kroi
Nước nhiễm phèn
Đón chúng tôi là tiếng đọc bài của lũ trẻ vang vang giữa cái nắng oi ả lọt qua kẽ lá của những hàng điều rợp bóng:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay”
Không giống với những trường tiểu học khác, trường Bù Kroi và trường Trung Sơn lọt thỏm giữa những hàng điều và cái nắng vàng khô trên mái ngói. Không mái che, không sân chơi, nhìn xung quanh chỉ thấy toàn điều, cao su và nắng.
“Không biết bình thường bọn trẻ đi học bằng gì cô ha?”
“Đa số sẽ đi bộ, đi tầm 3-4 cây, tụi nó cứ đi lảng vảng vậy đó, không sợ bị bắt đâu vì gia đình nào cũng nhiều con cả”, cô cười vui như đã trả lời câu này rất nhiều lần vậy.
Nói về khó khăn, cô cũng cho biết ở đây dùng nước giếng khoan là chính, nhưng cũng như bệnh viện Nhân ái, nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Chưa có giải pháp xử lý, làm thế nào để đảm bảo sức khỏe của các em học sinh là điều mà các thầy cô luôn trăn trở. Mơ ước về nguồn nước sạch, không còn nhiễm phèn đến bao giờ mới thành hiện thực?
“Chú ơi, chụp hình con nè, chú ơi chụp hình con nhiều lên”, giọng nói lém lỉnh của một cậu bé vang lên khi ống kính đang quay tìm góc chụp tại trường Nguyễn Huệ. Câu nói những đứa trẻ sẽ làm bạn luôn cảm thấy tươi vui dù tâm hồn bạn đã khô cằn như thế nào quả thật không sai.
“Tạm biệt nước phèn nhé!”
Khi bạn thấy những chiếc xe Tiếp dòng nước lành, Khơi xanh cuộc sống trên đường là đang có một vùng đất được tái sinh, những tương lai được tiếp sức. Và chiếc xe ấy đã chạy xuyên suốt những con đường đất đỏ của huyện Bù Gia Mập để lắp đặt máy lọc nước Daikiosan miễn phí cho 3 trường tiểu học Nguyễn Huệ, Bù Kroi và Sơn Trung. Dự án mang nước lên vùng biên giới này nằm trong chiến dịch Ngày Nước Tái Sinh với thông điệp "Khi nguồn nước được tái tạo là lúc cuộc sống được tái sinh" của công ty Đại Việt.
Thầy Bùi Hữu Nga – hiệu trưởng trường cho hay “Lúc trước cũng có đơn vị tặng máy lọc nước nhưng nước chảy yếu quá, chỉ cần 10 đứa đứng chờ rót nước là đã hết giờ ra chơi. Không như máy này, nước chảy nhanh như vậy hy vọng sẽ đảm bảo được nhu cầu của các em”.
Máy lọc nước Daikiosan của Đại Việt có khả năng xử lý nước nhiễm phèn tốt nhờ sử dụng lõi lọc Ceramic độc quyền với khe hở nhỏ (chỉ 5 micromet) kết hợp với màng RO DOW hiện đại của Mỹ. Với công suất lớn, những chiến máy Daikiosan này sẽ đảm bảo nguồn nước đủ đầy mỗi ngày cho các em học sinh.
“Trường cũng đã nhận được nhiều tài trợ của các đơn vị, nhưng đoàn mình là ý nghĩa nhất. Quà bánh ăn thì hết nhưng máy lọc nước có giá trị lâu dài và đảm bảo sức khỏe cho tụi nhỏ. Rất cảm ơn công ty đã quan tâm tới trường và các em học sinh ở đây.” Cô Phương tiễn chúng tôi lên tới tận xe và không ngừng cảm ơn về món quà “tiếp sức tương lai” này.
Rời đi vào chiều muộn, ánh trời tà dẫn đường cho đoàn xe chúng tôi chạy qua những vườn điều và rừng cao su rời Bù Gia Mập về lại thành phố. Người ta nói thường bắt đầu chuyến đi bằng sự háo hức và kết thúc bằng sự nuối tiếc. Nhưng riêng với Ngày Nước Tái Sinh, chúng tôi mãn nguyện vì những điều mình đã làm. Vì chúng tôi biết rằng ngay khi những dòng nước mát lành được trao đi là những mầm hy vọng đã bắt đầu nảy nở, chờ ngày vun xanh cả vùng đất biên giới này.
Khi những dòng nước mát lành được trao đi là những mầm hy vọng đã bắt đầu nảy nở, chờ ngày vun xanh cả vùng đất biên giới này
Cảm ơn sơ Thúy, cảm ơn cô Phương, cảm ơn thầy Nga, những người đã đón tiếp đoàn chúng tôi như những người thân quen và hỗ trợ hết mình để chiến dịch hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.
Bù Gia Mập, ngày 28 tháng 1 năm 2019
Ngày Nước Tái Sinh
“Tiếp dòng nước lành
Khơi xanh cuộc sống”